Có nhiều kết quả xuất hiện khi tìm kiếm từ khóa PPA, tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến PPA trong Power Purchase Agreement (Hợp đồng mua bán điện). Cũng mang tính chất như các hợp đồng mua bán hàng hóa bình thường nhưng PPA đặc biệt hơn vì hàng hóa ở đây là điện. Cùng tìm hiểu qua bài viết PPA là gì dưới đây nhé!
- Khái niệm
PPA được viết đầy đủ là Power Purchase Agreement, dịch sang tiếng Việt là Hợp đồng mua bán điện. Hợp đồng PPA đề cập đến việc cung cấp điện lâu dài giữa hai bên với bên bán là đơn vị sản xuất điện và bên mua là khách hàng (có thể là chính phủ hoặc người tiêu dùng điện). Bên sản xuất sẽ cung cấp một lượng điện đã thỏa thuận trong hợp đồng cho khách hàng, bằng cách truyền tải điện qua các đường dây cao thế đến cộng đồng sau đó phân phối đến khách hàng cá nhân.
Các thỏa thuận thường được đề cập trong PPA bao gồm lượng điện cung cấp, mức giá thương lượng, thời hạn hợp đồng và các hình phạt đối với việc vi phạm hợp đồng. Bởi vì có thể đàm phán về lượng và giá nên khách hàng của PPA có thể đảm bảo được nguồn cung năng lượng trong thời gian dài và giảm thiểu rủi ro về giá thị trường trong tương lai. Do đó khách hàng của PPA thường là các tập đoàn, công ty tiêu thụ điện lớn để thực hiện đầu tư liên quan đến quy hoạch hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Đặc điểm của PPA
Ngoài việc đàm phán về lượng và giá điện, PPA còn đưa ra các đề xuất thiết kế cũng như cách vận hành và bảo trì cho nhà máy điện và các thông số kỹ thuật liên quan.
Trường hợp cơ quan chính phủ là khách hàng duy nhất của đơn vị sản xuất điện, ký kết hợp đồng để nắm quyền chi phối điện năng, khi đó sẽ có một bên thứ ba khác là nhà đầu tư, người cung cấp vốn cho dự án. Nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận từ việc mua bán điện và hưởng các lợi ích về thuế,… nhưng không có quyền can thiệp đến hoạt động mua bán điện mà nhà nước mới là người nắm quyền kiểm soát. Vậy nên, trong trường hợp này, hợp đồng PPA có tính chất như hợp đồng BOT.
Khách hàng có thể đưa ra các hình phạt hoặc yêu cầu khoản bồi thường nếu bên sản xuất điện không thực hiện đúng như trong hợp đồng hoặc việc xây dựng dự án chậm tiến độ hoặc không thực hiện theo yêu cầu khi hoàn thành. Tuy nhiên, nhà sản xuất điện sẽ được miễn bồi thường thiệt hại nếu sự chậm trễ do các tác động nằm ngoài sự kiểm soát.
Đàm phán PPA có tính phức tạp và tốn rất nhiều thời gian bởi tính lâu dài của các PPA có thể gây bất lợi cho một bên trong trường hợp thị trường biến động tiêu cực.
- Hợp đồng PPA được sử dụng khi nào?
Hợp đồng mua bán điện PPA thường được hình thành khi các dự án điện có đặc điểm sau:
Khả năng về doanh thu, lợi nhuận trong tương lai của dự án không có sự đảm bảo, ổn định và do đó, dự án cần kiểm soát được số lượng đã mua và giá phải trả sẽ được yêu cầu để chắc rằng dự án có tính khả thi.
Khi trên thị trường xảy ra sự cạnh tranh lớn ví dụ các nhà cung cấp điện trong nước hoặc quốc tế có giá rẻ hơn. Lúc này các nhà sản xuất sử dụng PPA để chắc chắn rằng không bị sự cạnh tranh đó làm thiệt hại.
Khách hàng, người mua điện cần sử dụng một lượng lớn năng lượng trong thời gian dài cho các hoạt động tiêu tốn nhiều điện năng như xi măng, dầu khí, hóa chất,… Khách hàng cần PPA để đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất sau này và nhà sản xuất cũng muốn nguồn doanh thu từ đối tượng khách hàng này.
Để đảm bảo thực hiện kế hoạch đề ra và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho các công ty sử dụng nhiều điện năng thì việc ký kết PPA trong dài hạn là tất yếu. Hy vọng bài viết PPA là gì? Khi nào sử dụng PPA? trên đây sẽ có ích cho các bạn.